Nội Dung
Chân giò hầm Artiso – Đặc sản Đà Lạt nổi tiếng
Artiso là loại cây quen thuộc với người dân Đà Lạt và được chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn. Trong đó, canh artiso hầm giò heo là món ăn thường xuất hiện trong bữa cơm của người Đà Lạt. Canh artiso có vị ngọt tự nhiên từ hoa artiso. Khi ninh với giò heo càng lâu thì phần thịt càng mềm và nước dùng càng ngọt đậm đà. Canh có thêm vị cay cay của hạt tiêu nên ăn vào sẽ cảm thấy ấm bụng. Canh artiso rất hợp ăn vào mùa hè bởi đặc tính mát và bổ dưỡng.
Lẩu bò phố núi
Trong cái lạnh lạnh của Đà Lạt mà được ăn lẩu bò thì không còn gì để nói. Nước dùng đậm đà, thịt bò mềm, thơm kết hợp với cái giòn giòn của rau xanh tạo nên một hương vị khó lòng quên được.
Đặc sản Đà Lạt: Bánh tráng nướng giòn rụm
Bánh tráng nướng Đà Lạt còn được nhiều du khách đặc cho cái tên “pizza Đà Lạt”. Đây là món ăn vặt được nhiều du khách yêu thích. Lớp vỏ bánh tráng được nướng trên bếp than hồng, phết thêm một lớp trứng tạo độ giòn cho bánh. Người làm bánh phải thật nhanh tay để các nguyên liệu nhân: mỡ hành đã phi thơm, thịt (gà hoặc bò), xúc xích,… không bị cháy. Bánh được xoay tròn đều tay trong 1 phút là chín tới, thơm nức mũi. Một ít bò khô xé sợi, rắc thêm ớt bột, rớt sốt maiyonaise là món ăn được hoàn chỉnh. Quán bánh tráng nướng Dì Đinh: 26 Hoàng Diệu, TP. Đà Lạt/ Chợ Đà Lạt

Salad sú kẹp nách – Phiên bản tí hon
Sú kẹp nách có nguồn gốc từ nước Bỉ. Vào thời Pháp thuộc, nó là loại rau cao cấp, chỉ phục vụ cho giới quan chức. Sú kẹp nách có hình dạng giống bắp cải nhưng lại nhỏ bằng ngón tay, trông rất ngộ nghĩnh. Người Đà Lạt chế biến sú kẹp nách cho những món ăn như: Salad, luộc, chiên, xào, nướng và nhưng vẫn giữ được độ ngọt của rau. Sơ chế sú kẹp nách: bỏ lá ngoài bị vàng, sau đó đem ngâm mầm sú trong nước lạnh khoảng 10 phút. Người Đà Lạt hay khía hình chữ “X” nho nhỏ ngay đỉnh sú, giúp cho sú nhanh chín và mềm hơn. Sú kẹp nách được thu hoạch nhiều nhất vào tháng 6. Nếu bạn có ghé Đà Lạt vào thời gian này, bạn có thể tìm mua tại chợ Đà Lạt nhé.
Chả ram bắp ngọt thơm, béo ngậy
Ram bắp Đà Lạt tạo sự tò mò mới lạ cho nhiều du khách. Bắp là nguyên liệu chính làm nên hương vị đặc biệt của món ăn này. Ram bắp có vị ngọt thơm, béo béo của trái bắp, vị đậm đà của các loại gia vị. Xen lẫn với vị cay nhẹ của tiêu, thơm của hành tím, giòn tan của lớp vỏ ram cuốn. Chả ram bắp còn cầu kì ở cách làm nước chấm đi kèm. Được làm từ đậu phộng xay nhuyễn, ăn kèm với đĩa rau sống. Tất cả hòa quyện tạo nên một món ăn hấp dẫn khó quên.
Bún thố luôn thưởng thức nóng hổi
Bún thố bún được làm nóng, nên khi dùng bạn sẽ thấy nước lèo vẫn còn lăn tăn sôi nhẹ. Một thố bún sẽ dậy thơm hương vị của biển vì: có cá, tôm, thêm vài viên thịt. Nước lèo được ninh từ xương ống, thêm nước dừa tươi. Bạn sẽ cảm nhận ngay vị ngọt dịu thanh nhẹ của thố bún. Bún thố được ăn kèm rau đắng, salad và giá. Khi ăn, bạn vắt thêm chút chanh, vài lát ớt là đủ để đánh thức mọi giác quan của bạn vào buổi sáng sớm.
Đặc sản Đà Lạt: Bánh ướt lòng gà
Bánh ướt lòng gà là sự kết hợp khéo léo của người đầu bếp tạo nên một hương vị mới mẻ. Người đầu bếp tráng bánh, tay phải luôn linh hoạt để bánh đều và không bị chỗ dày chỗ mỏng. Phần lòng gà được sơ chế sạch sẽ, ướp với nhiều gia vị khác nhau để không bị tanh. Món này được ăn kèm với nước mắm cay cay của ớt lẫn với mùi thơm nồng từ rau.
Mứt Đà Lạt vị ngọt quyến rũ
Đà không chỉ nổi tiếng hoa tươi, hoa khô mà còn nổi tiếng bởi các loại mứt được làm từ trái cây tươi tự nhiên. Các loại mứt Đà Lạt nổi tiếng như: mứt atiso, mứt dâu tây, dâu tằm, mứt khoai, mận, hồng dẻo sấy. Mứt Đà Lạt chủ yếu được làm bằng cách nhào đường truyền thống. Quả ngon tiết ra chất ngọt, chua tự nhiên hòa cùng vị ngọt của đường, sánh lại như mật ngọt.